Trong bài phỏng vấn nhan đề “Chữ nghĩa Truyện Kiều cần nhiều người tranh luận” do Giao Hưởng thực hiện,...
Trả lời: Trên KTNN 329 (1-10-1999), chúng tôi đã đặt vấn đề nghi ngờ “8 bản Kiều đời Tự Đức của Hoàng Xuân Hãn”. Rồi trong bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn đã dùng mấy bản Kiều đời Tự Đức để làm quyển Kiều tầm nguyên?”, đăng hai kỳ trên Tài Hoa Trẻ (số 292 và số 293, tháng 12-2003), chúng tôi đã phân tích và khẳng định dứt khoát rằng Hoàng Xuân Hãn chẳng làm gì có đến 8 bản. Đây chẳng qua chỉ là một lời nói nhầm mà ta hoàn toàn có thể đính ngoa bằng lời nói của chính Hoàng Xuân Hãn ở một đoạn khác của cuộc phỏng vấn. Vị học giả này chỉ có 5 bản đời Tự Đức nếu là những bản Nôm và 6 bản nếu kể cả bản quốc ngữ “ăn theo” đời Tự Đức mà thôi. Người đã giúp cho ta có thể khẳng định điều này một cách chắc chắn không phải ai khác mà chính là ông Nghiêm Xuân Hải, con rể của Hoàng Xuân Hãn. Theo lời của vị nghĩa tế thì sau đây là 8 bản Kiều mà Hoàng Xuân Hãn đã dùng để làm Kiều tầm nguyên:
1. Bản D, tức Duy Minh Thị 1872;
2. Bản T, tức Trương Vĩnh Ký 1911;
3. Bản K, tức Kiều Oánh Mậu 1902;
4. Bản P, tức Phạm Kim Chi 1975;
5. Bản H, tức bản Huế, microfilm của EFEO;
6. Bản L, tức Liễu Văn Đường 1871;
7. Bản M, tức Thịnh Mỹ Đường 1879; và
8. Bản V, tức Thịnh Văn Đường 1882.
Trong 8 bản trên đây, ta thấy rõ mồn một rằng T (1911), K (1902) và P (1975) không phải là những bản đời Tự Đức (1848-1883). Ngay H, mà Hoàng Xuân Hãn không cho biết năm in, ta cũng chẳng thể nào biết được đó có phải là một bản đời Tự Đức hay không. Vậy chắc chắn nhất, ta chỉ có thể khẳng định rằng Hoàng Xuân Hãn chỉ nhắc đến 4 bản đời Tự Đức là: D, L, M và V mà thôi.
Nhưng đây chỉ là nhắc đến, chứ bản L thì Hoàng Xuân Hãn cũng chẳng có vì “bản này có ở INALCO mà chưa xin được” (Lời của Nghiêm Xuân Hải) còn bản V thì Hoàng Xuân Hãn càng chẳng làm gì có được vì ông chỉ được thấy ở nhà của ông Hoàng Huấn Trung hồi trước chiến tranh mà thôi. Nói một cách hoàn toàn nghiêm túc và chính xác thì Hoàng Xuân Hãn chỉ có vẻn vẹn 2 bản đời Tự Đức là D (Duy Minh Thị) và M (Thịnh Mỹ Đường). Vậy không biết hồi thập kỷ 1980, khi sang Paris, thì GS Nguyễn Tài Cẩn lấy đâu ra 8 bản Kiều đời Tự Đức tại nhà của Hoàng Xuân Hãn mà nghiên cứu?
Trong vòng 9 năm nay, từ ngày tạp chí Văn học đăng bài “Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều” (tháng 3-1997), một vài tác giả cứ nhắc đi nhắc lại lời nói nhầm của học giả Hoàng Xuân Hãn về “8 bản Kiều đời Tự Đức” mà chúng tôi đã cải chính một cách rành mạch trên Tài hoa trẻ. Tiếc thay, chẳng ai trong mấy người “nói theo” cái nhầm của Hoàng Xuân Hãn quan tâm đến sự cải chính đó. Rồi trong bài phỏng vấn của Giao Hưởng trên báo Lao Động, ngày 22-1-2006, GS Nguyễn Tài Cẩn lại còn “vui miệng” nói rằng mình đã “nghiên cứu 8 bản Kiều đời Tự Đức có tại nhà cụ Hãn”. Nhưng Hoàng Xuân Hãn làm gì có được 8 bản Kiều đời Tự Đức?
Đến như chuyện “phải dựa vào những bản càng xưa càng tốt” thì Hoàng Xuân Hãn cũng chẳng phải là người đầu tiên và/ hoặc duy nhất biết chủ trương như thế. “Ông phán Sài Gòn” Phạm Kim Chi đã làm như thế từ năm 1917 khi cho xuất bản Kim Tuý tình từ theo bản chép tay mà ông Nghè Mai đã cho vì “thấy chắc gốc” rằng cháu của Nguyễn Du (Nghè Mai là cháu Nguyễn Du) có thể lưu giữ “bổn chánh”, nghĩa là bản xưa nhất chưa bị ai “nhuận sắc”. Đó là nói chuyện đời xưa. Còn gần đây hơn thì trong Truyện Kiều 1965 của nhóm Nguyễn Văn Hoàn do Nxb Văn học ấn hành, ta cũng lại đọc thấy như sau:
“Để có thể khôi phục lại nguyên tác Truyện Kiều, biện pháp căn bản nhất vẫn là cần phải tiếp tục công việc phát hiện, sưu tầm các bản Kiều cổ một cách có hệ thống và sâu rộng hơn nữa. Hiện nay trong hoàn cảnh công việc phát hiện, sưu tầm di sản văn hoá cổ mới được bước đầu tiến hành ở miền Bắc, chúng ta không nên mặc nhiên coi rằng đã hoàn toàn hết hy vọng tìm thêm được một vài bản Kiều Nôm khác cổ hơn (bản Liễu Văn Đường 1871 – AC) và có giá trị hơn. Rất có thể là ở trong nhân dân ta, vùng Nghệ - Tĩnh quê hương Nguyễn Du, vùng Bắc-Ninh, quê mẹ Nguyễn Du, vùng Hải-Dương, quê hương Phạm Quý Thích... vẫn còn có thể tìm được một vài bản Kiều quý. Đó là chưa kể đến các thư viện công và thư viện gia đình ở miền Nam nước ta, ví dụ ở Huế, Sài-Gòn, hay các thư viện Đông phương học ở nước ngoài, ví dụ như ở Pa-ri (Pháp), Rô-mơ (Ý), Tô-ki-ô (Nhật), v.v.”
(Sđd, tr.LXV-LXVI)
Cứ như trên thì chuyện “phải dựa vào những bản càng xưa càng tốt” đâu có phải là chuyện do Hoàng Xuân Hãn khởi xướng, vì nó chỉ là chuyện... tự nhiên phải làm mà thôi. Có ai đi tìm nguyên tác mà lại dựa vào những bản “mới toanh”!