Nhìn vào các định hướng phát triển văn học và nhìn vào tâm thế tiếp nhận văn học của một bộ phận lớn công chúng, quả không khó thấy những ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa, văn học Trung Hoa trong các kết quả giao lưu tuy có lúc là đứt đoạn.
Sau ảnh hưởng văn học Trung Hoa là ảnh hưởng văn học Pháp trong các kết quả giao lưu chính thức vào nửa đầu thế kỷ XX. Những cơ sở kinh tế theo hướng đô thị hoá, nền chính trị thuộc địa, nền giáo dục Pháp - Việt với công cụ ngôn ngữ là chữ Pháp và chữ Quốc ngữ, sự du nhập của văn học Pháp vào đời sống sáng tác và các khu vực học đường... đã tạo nên những ảnh hưởng và ghi những dấu ấn thật sâu đậm, làm thay đổi nhanh chóng nền văn học Việt Nam, đưa lại cho nó màu sắc và tính chất hiện đại; nói cách khác, đã nhanh chóng đưa văn học Việt Nam vào quỹ đạo văn học thế giới hiện đại. Những ảnh hưởng của văn học Pháp có thể nói là không kém sâu sắc, có vậy nó mới tạo được bước ngoặt và sự ngắt đoạn triệt để đến thế với văn học truyền thống, làm ngơ ngẩn và choáng váng cho cả một thế hệ trí thức nhà Nho trong buổi giao thời, từ Tú Xương đến Tản Đà..., và tạo một chuyển đổi nhanh gấp và dứt khoát, để có được hình hài trọn vẹn như nó đã có từ sau 1930 cho đến 1945.
Ảnh hưởng của các mối giao lưu với văn học Nga, văn học Xô Viết và văn học các nước xã hội chủ nghĩa có vai trò chủ đạo đối với đời sống văn học miền Bắc trong bốn thập niên giữa thế kỷ XX tính từ sau 1945. Các kết quả của giao lưu là sự tiếp tục những gì đã được ghi nhận vào nửa đầu thế kỷ - giúp cho sự ổn định của văn chương trên con đường hiện đại hoá; nhưng do hoàn cảnh chiến tranh và do định hướng đấu tranh giữa hai phe, nên hình thái giao lưu trong tình hình đối lập giữa hai phe là một chiều; chỉ chấp nhận một phía với các nguyên tắc chặt chẽ về hệ ý thức và thế giới quan (miền Bắc) hoặc là buông lỏng cho những tìm kiếm cá nhân (miền Nam). Hướng trực tiếp vào các mục tiêu phục vụ chính trị, nhận thức sự gắn bó văn học với đời sống và các nhiệm vụ cách mạng, văn học miền Bắc xã hội chủ nghĩa tạo được một sự nhất trí cơ bản trên các định hướng chính trị, tư tưởng. Thế nhưng, do ít có các mối liên hệ rộng rãi với thế giới mà vẫn bị bó chật trong “phe”, có mặt kỳ thị với những gì ngoài “phe”, ngoài khu vực “cách mạng” và “xã hội chủ nghĩa” nên thiếu đi sự phóng khoáng, đa dạng của văn chương với tư cách một lĩnh vực của nghệ thuật, một kiểu nghệ thuật của ngôn từ và có phần xa lạ với những vấn đề của đời sống hậu công nghiệp, những vấn đề có tính toàn cầu.
Cuộc giao lưu mới vào cuối thế kỷ XX, sau khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và Việt Nam muốn làm bạn với cả thế giới, là một giao lưu hướng về nhiều chân trời, tuy đã được mở, được nới rộng các đường biên, nhưng không tránh khỏi còn bị che phủ bởi ít nhiều sương mù; những chân trời vừa đầy hứa hẹn với chứa nhiều bí ẩn và có cả hiểm hoạ. Văn học nghệ thuật trong hai thập niên qua đã có những dấu hiệu mới như là hệ quả của chính sự giao lưu trên, trên tất cả các lĩnh vực của sáng tác, lý luận, phê bình và đời sống văn hoá, văn nghệ nói chung. Các thứ chủ nghĩa, trường phái, trào lưu văn học hiện đại phương Tây mà suốt non nửa thế kỷ sau 1945, trên miền Bắc, không ngừng bị phê phán như là những “cái nấm sặc sỡ trên thân cây gỗ mục của văn hoá đế quốc chủ nghĩa”, như là các “sản phẩm điên loạn nhất, bế tắc nhất của xã hội tư sản giẫy chết” (1)...; chủ nghĩa (isme) đó đang dần dần được nhận lại gương mặt và vóc dáng của nó, để có quyền tồn tại, và đang triển khai sự ganh đua và khả năng thâm nhập của nó trên các khu vực văn chương, hội hoạ, âm nhạc, kiến trúc, điện ảnh. Những tìm tòi đổi mới văn chương trên các lĩnh vực của chủ nghĩa hiện đại, rồi hậu hiện đại mà văn học phương Tây đã đi qua và ghi đậm dấu ấn trong văn học nhiều khu vực như vấn đề thân phận con người, nỗi lo âu của thế kỷ, văn chương tư tưởng và văn chương triết lý, kịch phi lý, dòng ý thức và các tầng tiềm ẩn của thế giới tâm linh... cũng đã xuất hiện và đã có quyền tồn tại trong văn học. Những cuộc tranh cãi, thậm chí gay gắt đã diễn ra, và vẫn sẽ còn diễn ra, hẳn là điều tự nhiên, vì bất cứ cái mới nào sinh ra cũng là trên cơ sở phủ định cái cũ, phải giành phần đất sống với cái cũ; và vì bất cứ cơn gió lạ nào xuất hiện, nếu có tạo sự thông thoáng thì cũng dễ làm rùng mình hoặc gây tai nạn, trước hết cho những ai quen đóng chặt cửa, những ai chưa quen gió máy, hoặc ít được thấy những vùng không gian khoáng đãng.
Nhìn riêng vào văn học thì những dấu ấn của chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại cũng đã có nhiều ngả đường để thâm nhập vào sáng tác của một bộ phận thế hệ trẻ. Dẫu chưa có được sự mạnh mẽ và táo bạo như hội hoạ và âm nhạc, văn học (gồm cả sáng tác và lý luận - phê bình) cũng không quá tụt hậu so với thời đại, để có thể tiếp cận và tiếp nhận những biểu hiện mới của các trào lưu sáng tác hiện đại, không chỉ riêng ở phương Tây. Thế nhưng, tất cả những tìm tòi đó vẫn còn mang tính chất thăm dò, thử nghiệm. Nó chưa tạo được một xu thế mạnh mẽ - bởi theo tôi, ở ta, cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ sở kinh tế và xã hội cho một biến đổi về đời sống tinh thần có tác động sâu sắc đến cảm hứng và tư duy nghệ thuật của cả người viết và người đọc. Nếu người đọc phổ thông ở ta vẫn con xa lạ (chứ không phải là đố kỵ hoặc chối bỏ như trước đây) với những tìm tòi theo kiểu phương Tây hiện đại, thì người viết của ta ở lứa tuổi trung niên trở lên vẫn chỉ quen với cách trang bị của chủ nghĩa hiện thực và trữ tình truyền thống...
Nếu trong thơ, cách đi tìm “bóng chữ” và săn đuổi các ký hiệu thay cho cảm xúc và vần điệu; nếu trong tiểu thuyết không còn cốt truyện và nhân vật; hoặc nhân vật chỉ còn một cái tên K., hoặc biến thành sâu bọ như nhân vật của F.Kafka, hoặc mang một cái đuôi lợn như nhân vật của G.G. Marquez... thì hẳn chắc tác giả rất khó lòng tìm được đông đảo tri âm và tri kỷ với mình trong thế giới người đọc.
Xét về đội ngũ, tôi cho rằng chúng ta vẫn còn chưa có một thế hệ tiếp tục, ở lứa tuổi trẻ, thậm chí rất trẻ - tuổi 20; một thế hệ không còn là sản phẩm của chiến tranh, mà là sản phẩm của chính cái thời chúng ta đang sống hôm nay. Là sản phẩm của hôm nay, họ cần hiểu về lịch sử, nhưng không được nấp dưới bóng lịch sử; họ tôn trọng giá trị của cha anh, nhưng không chịu những ràng buộc và hệ luỵ với quá khứ như cha anh. Một thế hệ trẻ như thế, cần phải xuất hiện không phải với tư cách cá nhân riêng lẻ, đơn độc, mà phải tìm đến nhau, hội được vào nhau, và cùng nhằm vào một đích đến, ở thời điểm chín của nó, trong tư cách một đội ngũ, để có thể hình thành một thế trận hoành tráng như đã ba lần diễn ra trong thế kỷ XX. Đó là thời kỳ 1930 - 1945 hoàn thành quá trình hiện đại hoá văn học nghệ thuật dân tộc, mới chỉ sau 30 năm khởi động. Đó là thời kỳ 1960 - 1975, văn học - nghệ thuật làm tròn được một sứ mệnh thiêng liêng: bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám, và đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Và thời kỳ nửa đầu 80 đến nửa đầu 90 xứng đáng đóng được vai trò tiền trạm và khởi động cho công cuộc đổi mới.
Còn bây giờ là mở đầu thế kỷ XXI. Sự nghiệp Đổi mới đã có một hành trình 20 năm. Ngược về trước chẵn một thế kỷ, đó là thời kỳ cả nước sục sôi trong ngọn lửa Duy Tân - “Buổi diễn thuyết người đông như hội. Kỳ bình văn khách tới như mưa”, cả nước gần như cùng có chung khát vọng triệt để dứt bỏ những gì gọi bằng hủ lậu, để tiếp cận với tri thức hiện đại phương Tây và mở rộng tầm nhìn của dân tộc.
Lịch sử dường như đang trở lại trên một tầm đón cao hơn những nhu cầu văn hoá - tinh thần được khai mở vào đầu thế kỷ trước.
Thái Hà, xuân Bính Tuất